Ảnh cờ động
No title... No title... No title... No title... No title...
Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị BCĐ lập Quy hoạch tỉnh và Hội nghị bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Lượt xem: 86

UBND tỉnh ban hành Công văn 3188/TB-VPUB ngày 31/10/2022, thông báo về những kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy tại Hội nghị Họp Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Hội nghị thảo luận, bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị Ban Chỉ đạo Quy hoạch tỉnh.

Ngày 29 tháng 10 năm 2022, UBND tỉnh tổ chức Họp Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Hội nghị thảo luận, bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị; tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Thị Ngân - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các đồng chí trong tổ giúp việc Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh, đại diện Liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh và chủ đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Sau khi nghe đại diện Liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh, chủ đầu tư các dự án đầu tư công báo cáo; ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy kết luận như sau.

I. Về lập Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050:

 Để tiếp tục hoàn thiện nội dung Dự thảo Quy hoạch tỉnh bảo đảm chất lượng, tiến độ để trình Hội đồng thẩm định quốc gia trong tháng 11/2022, trình HĐND tỉnh thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2022; yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và đơn vị tư vấn triển khai một số nội dung sau:

1. Các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Xác định việc xây dựng Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022; Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nội dung công việc liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý.

- Giao thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức việc rà soát, tham gia ý kiến vào dự thảo Quy hoạch tỉnh và chịu trách nhiệm toàn diện, trực tiếp về các nội dung của cơ quan, đơn vị, địa phương mình đề xuất đưa vào Quy hoạch tỉnh; đảm bảo tính chính xác, đầy đủ và khả khi trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt. Nội dung góp ý của các Sở, ban, ngành, địa phương yêu cầu gửi bằng văn bản và chỉnh sửa trực tiếp vào bản mềm báo cáo tổng hợp và dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước 9h00’ngày 02/11/2022 để tổng hợp (đề nghị các đơn vị đánh dấu các nội dung chỉnh sửa).

- Về báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tỉnh (DMC): đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị tư vấn rà soát, hoàn thiện để lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; đảm bảo điều kiện hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh theo quy định.

- Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh đảm bảo Quy hoạch tỉnh có sự đồng bộ, thống nhất, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng, nhất là các Sở, ngành: Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh (phát triển Khu công nghiệp), Sở Công Thương (phương án phát triển cụm công nghiệp, mạng lưới điện), Sở Giao thông vận tải (phương án phát triển mạng lưới giao thông), Sở Xây dựng (phát triển đô thị, cấp thoát nước, việc trùng khớp các quy hoạch...), Sở Tài nguyên và Môi trường (phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, phương án bảo vệ môi trường, khai thác sử dụng tài nguyên…), Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu đại học Nam Cao (Khu công nghệ cao, Khu đại học Nam cao), Sở Y tế, UBND thành phố Phủ Lý (Khu y tế chất lượng cao), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Phương án phát triển du lịch, phương án phát triển thiết chế văn hóa, thể thao)…

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn:

 - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ rà soát các nội dung góp ý, tham gia ý kiến vào Quy hoạch tỉnh. Trên cơ sở các ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị; Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến góp ý của các ngành, địa phương tại cuộc họp và nội dung góp ý bằng văn bản của các đơn vị để tiếp tục rà soát toàn diện hồ sơ Quy hoạch. Sau khi hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi Lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố bản cứng và bản mềm tài liệu Quy hoạch tỉnh (tài liệu gồm: Báo cáo tổng hợp, Dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh của Thủ tướng CP, hệ thống bản đồ) trước 10h ngày 04/11/2022 để phục vụ Hội nghị họp Ban Chỉ đạo (dự kiến ngày 06/11/2022).

- Yêu cầu đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh tập trung nhân lực, khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, đảm bảo chất lượng, tiến độ được giao. Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các dự thảo, hồ sơ tài liệu liên quan, tham khảo hồ sơ Quy hoạch của các địa phương đã được thẩm định; đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa báo cáo tổng hợp, biểu bảng, bản đồ và quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung Quy hoạch tỉnh cần được trình bày có trọng tâm, súc tích, ngắn gọn, không đề xuất đưa vào quy hoạch các nội dung quá chi tiết, gây vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện sau này; thực hiện rà soát, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy phát biểu kết luận tại các hội nghị.

3. Một số nội dung cần lưu ý trong quá trình Lập Quy hoạch tỉnh:

- Xác định lại hiện trạng và dự báo phát triển dân số trong kịch bản phát triển, dự kiến 2025, dân số tỉnh Hà Nam khoảng 1,15 triệu người; đến năm 2030, dự kiến khoảng 1,4 triệu người.

- Phương án phát triển mạng lưới giao thông: Xác định rõ tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện để thuận lợi trong quá trình khai thác, quản lý; đưa đầy đủ các nút giao, nhà ga, cầu, các đoạn tuyến trên cao… đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương.

- Phương án khai thác tài nguyên, khoáng sản: giữ nguyên hiện trạng các mỏ ở Thanh Liêm; đóng cửa các mỏ đá ở Kim Bảng (trừ mỏ đá tại Thanh Sơn và mỏ đá ở khu vực Liên Sơn của Công ty Bút Sơn). Thực hiện lộ trình đóng các mỏ sét ở phía Đông sông Đáy và địa bàn huyện Kim Bảng theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Phương án phát triển du lịch: Xác định động lực phát triển du lịch là Khu du lịch Tam Chúc.

- Phương án phát triển đô thị: Xác định thành phố Phủ Lý là đô thị lõi, đô thị trung tâm phát triển của tỉnh.

- Phương án phân vùng cấp nước: đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của Sở Xây dựng; về nguồn nước: sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng và sông Đáy đoạn 1.

Quang cảnh hội nghị hảo luận, bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

II. Về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, Chủ đầu tư các dự án xác định việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.

Tổng số vốn kế hoạch năm 2022 giải ngân đến ngày 29/10/2022 đạt 45,5% kế hoạch tỉnh giao. Đặc biệt vốn NSTW đạt rất thấp so với kế hoạch. Nguyên nhân của việc chậm giải ngân ngoài các yếu tố khách quan về thủ tục đầu tư ... thì nguyên nhân chủ quan là chính, đó là tiến độ GPMB chậm, năng lực của Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tư vấn còn hạn chế. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn và đẩy nhanh tiến độ một số dự án, sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, phấn đấu năm 2022 giải ngân đạt 100% vốn đã giao. Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các Chủ đầu tư triển khai một số nội dung sau:

1. Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

- Đối với 02 Dự án: Đường nối chùa Ba Sao đến chùa Bái Đính sử dụng vốn kéo dài từ các năm trước sang; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành Quốc lộ 21, địa phận huyện Kim Bảng (đoạn từ đường ĐH.05 huyện Kim Bảng đến nút giao đường T3 với QL21) yêu cầu Chủ đầu tư rà soát tình hình thực hiện dự án, lập kế hoạch tiến độ thi công, giải ngân cụ thể, xác định những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo. Ủy ban nhân dân huyện Kim Bảng tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng những vị trí còn lại để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

- Chủ đầu tư các dự án (Cầu Tân Lang và tuyến đường kết nối vùng, nối từ đường vành đai 4 vành đai 5 qua QL38 đến đường QL21 huyện Kim Bảng; dự án ĐTXD tuyến đường trục vành đai kinh tế T4 đoạn giao QL21 đến đường ĐT499B Thanh Liêm; hạ tầng khu du lịch Tam Chúc; Dự án ĐTXD các trạm bơm đầu mối khu vực thành phố Phủ Lý phục vụ tiêu thoát nước chống ngập úng và kết hợp sản xuất nông nghiệp...) đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất thủ tục đầu tư, đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân vốn năm 2022.

- Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các Chủ đầu tư chủ động phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với Chủ đầu tư các dự án đã hoàn thành, phê duyệt quyết toán nhưng không làm thủ tục thanh toán với Kho bạc nhà nước, chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đối với các dự án do cơ quan, đơn vị mình quản lý, không xem xét thi đua đối với các Chủ đầu tư, các đơn vị có vốn đầu tư công giải ngân chậm, không hoàn thành kế hoạch.

- Đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đôn đốc các nhà thầu khẩn trương thi công và làm hồ sơ thanh toán. Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Hà Nam kịp thời thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đối với các dự án đã đủ điều kiện thanh toán; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Rà soát các dự án, công trình về thủ tục, khối lượng hoàn thành nghiệm thu và khả năng thanh toán vốn (đối chiếu số liệu với Kho bạc nhà nước) đến hết 31/10/2022. Đối với các dự án không có khả năng giải ngân, chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn sang những dự án có khối lượng và đảm bảo thủ tục giải ngân. Giao đồng chí Nguyễn Anh Chức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh rà soát, quyết định điều chuyển vốn các dự án theo quy định.

- Rà soát thủ tục đầu tư các dự án theo quy định của Luật đầu tư công, đề xuất UBND tỉnh giao Chủ đầu tư thực hiện các dự án phù hợp với quy định của Luật và nguồn vốn đầu tư. Kiên quyết không giao làm Chủ đầu tư các dự án khởi công mới khi Chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ thi công, chậm giải ngân vốn và năng lực yếu.

  1. Các Sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương tổ chức thẩm định các dự án đầu tư công, cơ chế chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng các Chủ đầu tư đề xuất trình cấp thẩm quyền phê duyệt để sớm triển khai thi công.
  2. Đối với dự án ĐTXD đường cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ dân cư miền núi xã Thanh Nguyên, Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm; dự án ĐTXD công trình hạ tầng liên quan thuộc khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam: Yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát kỹ các thủ tục, hồ sơ, các kết luận thanh tra, kiểm toán để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thanh toán từ ngày 15/12/2022, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao (500 tỷ đồng) theo đúng tiến độ.
  3. Dự án Cầu Tân Lang và tuyến đường kết nối vùng và tuyến đường kết nối vùng, nối từ đường vành đai 4 vành đai 5 qua QL38 đến đường QL21 huyện Kim Bảng: Yêu cầu Chủ đầu tư (UBND huyện Kim Bảng) khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư, ký kết hợp đồng các gói thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo tiến độ và giải ngân nguồn vốn.

Trên đây là toàn bộ kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy, Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các đơn vị biết, thực hiện.

Nguồn Đài phát thanh và truyền hình Hà Nam

Thông tin mới nhất







Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập