Giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Chủ nghĩa Mác hình thành từ giữa những năm 40 của thế kỷ XIX ở Tây Âu, đến nay đã gần 200 năm. Vượt lên trên những nguyên lý, khái niệm, phạm trù, quy luật và phương pháp luận, chủ nghĩa Mác - Lênin là “chìa khóa” giải đáp những vấn đề lý luận, dẫn đường cho nhân loại tiến bộ thực hiện mục tiêu giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột, mọi sự tha hóa. Việc dân tộc Việt Nam lựa chọn con đường cách mạng vô sản, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, đưa đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác là minh chứng thuyết phục khẳng định giá trị trường tồn của Chủ nghĩa Mác.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị không ngừng xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm gây nhiễu loạn về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mưu đồ “giải trừ ý thức hệ”, làm cho Đảng tan rã về ý thức hệ, từ đó tan rã về tổ chức, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ ta. Chúng cho rằng Hồ Chí Minh không có tư tưởng của riêng hay tư tưởng của Người không được coi là một hệ thống. Dựa vào những luận điểm của Người có tính bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và bao hàm sự kế thừa những giá trị tư tưởng tiến bộ của nền cộng hòa Pháp và Mỹ, chúng quy kết, Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa cộng hòa, chủ nghĩa hòa bình hơn là một người theo chủ nghĩa cộng sản. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng về đấu tranh giai cấp, về cách mạng xã hội chủ nghĩa, không mang bản chất Mácxít, thậm chí đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng cố tình phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử của Việt Nam, phủ nhận mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Chúng cho rằng tất yếu phải đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đặc biệt, một trong những vấn đề chúng tập trung công kích hiện nay là: chủ nghĩa Mác - Lênin, có chăng, chỉ phù hợp với thời kỳ văn minh cơ khí. Nhân loại đã sang thế kỷ XXI, thời đại của cách mạng khoa học - công nghệ, thời kỳ chuyển đổi số, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời. Đảng đã hết vai trò lịch sử, Đảng duy nhất cầm quyền là không chính đáng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, sẽ thất bại giống như Liên Xô và một số nước Đông Âu,...Nếu tiếp tục thực hiện Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam sẽ tụt hậu, kém phát triển so với thế giới. Đứng trước những luận điệu chống phá đó, mỗi chúng ta cần kiên định lập trường, giữ vững mục tiêu, quan điểm: Chủ nghĩa Mác không chỉ có giá trị trong quá khứ mà tiếp tục là cẩm nang để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không kinh qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng Việt Nam 95 năm qua dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt tài tình của Ðảng, nhất là 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước nghèo nàn, bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây, cô lập, đến nay Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế năm 2024 đã đạt trên 470 tỉ USD, đứng thứ 32 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93% (theo chuẩn đa chiều) so với mức 60% năm 1986. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao. Cục diện đối ngoại không ngừng được mở rộng; vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được lan tỏa, có những đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trong vai trò thành viên ASEAN, Liên hợp quốc và các tổ chức, thể chế quốc tế khác được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Những kết quả đạt được cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ cụ thể hóa mà còn làm phong phú thêm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời khẳng định vai trò, giá trị, tính đúng đắn của việc thực hiện chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam thời gian qua.
Trong bối cảnh Chủ nghĩa tư bản đã có những điều chỉnh để phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng và và tầm ảnh hưởng, trước luận điệu cho rằng Chủ nghĩa Mác không còn phù hợp trong thế kỷ XXI, kỷ nguyên chuyển đổi số, chúng ta cần nhận thức như sau:
Khi nói về học thuyết Mác, Lênin khẳng định: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác”. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ, cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào. Đồng thời, là học thuyết mở, phát triển. Vì thế, không thể tuyệt đối hóa các mặt, việc tuyệt đối hóa sẽ dẫn chúng ta đến những sai lầm và làm mất tính khoa học, toàn diện của nó. Học thuyết Mác “kết hợp tính chất khoa học chặt chẽ và cao độ (đó là đỉnh cao nhất của khoa học xã hội) với tinh thần cách mạng...”. Ph.Ăngghen, cũng khẳng định: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”. Do đó, không thể coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi, bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu không muốn lạc hậu đối với cuộc sống.
Với chủ nghĩa duy vật lịch sử, mà cốt lõi là lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác đã chỉ ra quy luật phát triển của xã hội loài người thực chất là sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội, thông qua cách mạng xã hội. Đó là một quá trình lâu dài, được quyết định bởi những mâu thuẫn nội tại của các hình thái kinh tế - xã hội ấy. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội được xem như là một cơ thể sống, một cơ cấu xã hội hoàn chỉnh, luôn biến động bởi sự tác động tổng hợp của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, của cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Trong sự tác động đó, con người luôn giữ vai trò trung tâm và quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội. Bởi thế, C.Mác khẳng định: “Trong tất cả những công cụ sản xuất, thì lực lượng sản xuất hùng mạnh nhất là bản thân giai cấp cách mạng”. Thực tiễn phát triển của nhân loại cho thấy, sự tổng kết của C.Mác là hoàn toàn đúng đắn, vượt xa thời đại mà ông sống về tư duy và tầm nhìn. Lý luận trên là nền tảng hình thành nhận thức về xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại và xã hội xã hội chủ nghĩa với đầy đủ những đặc điểm về bản chất, mâu thuẫn, xu hướng vận động, phát triển cũng như con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản hiện thực.
Trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những thành tựu của công nghệ vật lý, công nghệ số, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo…, kinh tế tri thức ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tuy vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, người lao động và đời sống được cải thiện, đề cao hơn nhưng địa vị của giai cấp công nhân và người lao động không hề thay đổi. Họ vẫn là “công cụ” tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản. Dù chủ nghĩa tư bản có vai trò lớn trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng, song nhìn vào tình hình hiện nay, với việc tạo ra ngày càng nhiều giá trị thặng dư, chủ nghĩa tư bản vẫn là chế độ bất công với mâu thuẫn nội tại ngày càng sâu sắc. Chủ nghĩa tư bản cũng là nguồn cơn của chiến tranh, xung đột, chết chóc và hệ lụy lớn đối với thế giới. Vì thế, chủ nghĩa tư bản tất yếu phải được thay thế bằng chế độ kinh tế - xã hội mới.
Với chủ nghĩa Mác, bản chất và mục đích sâu xa của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là giải phóng con người, tạo điều kiện để con người được tự do và phát triển toàn diện. Quan điểm này vừa bao hàm giá trị khoa học, biện chứng, vừa thấm đẫm tính nhân văn, nhân đạo cao cả. Chủ nghĩa Mác, bằng lý luận hoàn bị của mình, khẳng định việc thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân, người lao động là tất yếu khách quan, thay thế cho chế độ tư bản chủ nghĩa vốn đã bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết, mâu thuẫn; đồng thời, luận giải một cách khoa học về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản và khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở các nước lạc hậu... Phương pháp tiếp cận khoa học, biện chứng, với quan điểm cách mạng và nhân văn về bản chất, mục tiêu, động lực phát triển của xã hội xã hội chủ nghĩa là những giá trị không thể phủ nhận của chủ nghĩa Mác.
Ngay khi tiếp cận bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đã xác định, con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là phải tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng dân tộc, giai cấp và cao nhất là giải phóng con người. Sự lựa chọn của Người cũng chính là sự lựa chọn tất yếu, khách quan của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Và dù trong bối cảnh của một nước thuộc địa nửa phong kiến nghèo nàn, lạc hậu với mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp gay gắt hay trước thời khắc quan trọng là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển thì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Quan điểm “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”; “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” và “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc chính là mục tiêu cao nhất, là khát vọng vươn tới của nhân loại tiến bộ. Thời điểm này, việc Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước, thực hiện từ đầu năm học mới 2025-2026; trợ cấp cho người từ 60 tuổi không có lương hưu; Phấn đấu đến 2030 miễn viện phí cho người dân, giảm số ngày lao động để người dân có thời gian thụ hưởng…là những chính sách an sinh góp phần khẳng định tính đúng đắn của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được thực thi trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Để bảo vệ thành quả của Đảng, của dân tộc; để đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta phải nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch để tìm giải pháp khoa học bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta những vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài nhằm tiếp tục khẳng định giá trị, tính khoa học, tính cách mạng cùng những giá trị nhân văn mang tính thời đại của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Đó là công việc liên tục, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Bởi, xuyên suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Trên cơ sở nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, “chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp them sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào sơ cứng, trì trệ, lạc hậu sơ với cuộc sống”.
Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, “điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Giá trị khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như thực tiễn của khoa học”.
Phòng Khoa giáo, Văn hóa Văn nghệ