Hà Nam tổ chức tham gia Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa hoc, công nghệ, đột phá sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Sáng ngày 13/01/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đột phá sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối đường truyền từ Trung ương tới cơ sở và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1.
Tham dự, chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; thủ trưởng các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đại diện các hội quần chúng; đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam
Toàn tỉnh có 252 điểm cầu, trong đó: 01 điểm cầu cấp tỉnh (tại Hội trường UBND tỉnh) và 251 điểm cầu cấp cơ sở với 44.881 đảng viên tham dự.
Hội nghị đã được xem phim phóng sự về khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; nghe công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, do đồng chí Tô Lâm làm trưởng Ban, Quy định về chức năng nghiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương, thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước; báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; quán triệt, triển khai tinh thần và những nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng chí Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW; đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đặc biệt, Hội nghị được nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thực hiện những đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương cần quán triệt những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 57-NQ/TW, triển khai thực hiện hiệu quả, nghiêm túc, đồng bộ, xuyên suốt, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, tăng sự đồng thuận trong xã hội và Nhân dân.
Tổng Bí thư yêu cầu nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo sự đột phá cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm... Xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ, đủ năng lực thực hiện các bước đột phá. Cấp ủy, chính quyền cần chuyển hóa nghị quyết bằng các kế hoạch xác thực; lấy kết quả triển khai làm tiêu chí để đánh giá thi đua, khen thưởng. Trong năm 2025, lựa chọn những vấn đề căn cơ để thực hiện, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo.
Khẩn trương sắp xếp lại bộ máy các cơ quan, tổ chức khoa học công nghệ. Có kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Triển khai các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc. Các thủ tục liên quan đến vấn đề này phải thực sự thông thoáng hơn nữa, thậm chí phải có tính cạnh tranh cao so với các nước khác.
Tính toán hình thành cơ chế Kiến trúc sư trưởng hoặc Tổng công trình sư cho việc thực hiện các đề án, dự án lớn về khoa học công nghệ và chuyển đổi số mang tính liên ngành; lập Viện Quốc gia về tiêu chuẩn và kiểm định về các nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, kiểm định sản phẩm và dịch vụ. Nhà nước tạo thuận lợi thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, hỗ trợ về thủ tục, khuyến khích bằng thuế và tín dụng, được mời các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, được tạo mọi điều kiện để hoạt động thuận lợi.
Ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá; lập các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo… Tiến hành rà soát, điều chỉnh các đề án, dự án để đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 57, tránh lãng phí, tập trung đầu tư hiệu quả, có trọng tâm. Đồng thời, cải cách triệt để quy trình phân bổ, quản lý và thanh quyết toán kinh phí, loại bỏ cơ chế “xin - cho” và các thủ tục rườm rà để tối ưu hóa nguồn lực và khuyến khích sáng tạo.
Đồng thời ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, nhất là nhân tài khoa học, công nghệ, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế, với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở và môi trường làm việc…; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công nghệ số. Đặc biệt, cần chuẩn bị hạ tầng năng lượng cho 5-10 năm tới, với trọng tâm là năng lượng sạch, đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển bằng hành động cụ thể…
Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy